Một khách sạn muốn vận hành tốt thì số lượng nhân viên thường khá đông, có thể là vài chục đối với các khách sạn bình dân và nó có thể lên đến con số vài trăm với những khách sạn cao cấp từ 4, 5 sao trở lên. Dù là số lượng ít hay nhiều, quản lý nhân sự luôn là vấn đề khiến nhiều chủ khách sạn, người chịu trách nhiệm quản lí khách sạn phải đau đầu.
Trong bài viết hôm nay, tôi sẽ gửi đến các bạn những gợi ý về một số phương pháp quản lý nhân viên hiệu quả hiện đang được rất nhiều khách sạn lớn áp dụng. Trong bài, tôi sẽ đi vào phân tích và đưa ra những cách làm cụ thể, giúp bạn dễ dàng xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý nhân viên của mình. Hãy cùng theo dõi ngay sau đây.
1. Thực hiện phân công công việc một cách cụ thể, chi tiết cho nhân viên
Việc lên một bản bố trí công việc cụ thể cho từng vị trí đòi hỏi sự đầu tư cao về thời gian và công sức của những người quản lý, nhưng nó sẽ khiến bạn dễ dàng quản lý công việc của nhân viên về sau.
Khi có được nội dung chi tiết từng vị trí, từng công việc cụ thể thì tiếp tục đến khâu tuyển dụng nhân viên. Theo một khảo sát mới đây, một khách sạn tỷ lệ nhân viên ra – vào một năm là 75%, việc thu nhận và bố trí công việc cho nhân viên mới diễn ra một cách liên tục.
Vì vậy, việc lên bản bố trí công việc chi tiết, giúp cho người quản lý biết được vị trí, công việc nào đang thiếu nhân sự để bổ sung. Và khi tuyển dụng nhân viên mới, họ có thể dễ dàng sắp xếp vị trí từng công việc phù hợp, cũng như phương pháp đào tạo đạt hiệu quả nhất.
2. Thường xuyên giao tiếp với nhân viên
Trước khi trở thành người quản lý của họ, bạn hãy trở thành một người bạn của họ trước. Khi trở thành một người chủ, một người quản lý khách sạn, bạn phải học cách giao tiếp với nhân viên của mình. Hãy có những cuộc nói chuyện thân mật, thoải mái và hãy cho phép nhân viên nhận xét về bạn. Việc biết lắng nghe nhân viên của mình giúp bạn hiểu họ hơn, mang đến cho họ cảm giác gần gũi, tin tưởng, điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng “khai thác” thông tin của họ. Đây là một phương pháp để bạn theo dõi được tình hình của từng bộ phận, biết được những chuyện phát sinh và đưa ra giải pháp kịp thời.
Tuy nhiên, sự gần gũi nhưng không có nghĩa là dễ dãi, hãy luôn cương quyết, công minh khi xử lý những vấn đề mâu thuẫn hay những sai phạm của nhân viên. Bạn nói chuyện và lắng nghe họ để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn và buộc nhân viên phải tuân thủ theo quyết định của bạn đưa ra, đó là việc bạn cần phải làm.
3. Có chế độ khen thưởng kịp thời và đúng lúc
Dù làm bất cứ công việc gì, ở vị trí nào thì nhân viên của bạn cũng luôn mong muốn được ghi nhận những công sức mà họ đã bỏ ra. Hãy biết cách khen thưởng cho nhân viên của mình một cách kịp thời để khích lệ động viên họ. Khi bạn thấy một nhân viên có hành xử tốt, thái độ chuyên nghiệp và được khách hàng khen ngợi thì đừng ngại ngần gì khi dành cho họ những lời tán dương và một phần quà nho nhỏ, đó có thể là một phần tiền thưởng nhỏ vào cuối tháng. Chắc chắn, bạn sẽ nhận lại kết quả đáng kinh ngạc. Nhân viên được khen thưởng đó sẽ có thêm động lực để làm việc và họ sẽ tiếp tục phát huy những việc làm đó. Hơn nữa, đó còn là một hình thức cổ vũ nhân viên, để họ thi đua với nhau. Hãy luôn biết cách quan tâm, chăm sóc đến nhân viên, cảm ơn họ về những nỗ lực họ bỏ ra, khiến họ cảm thấy công sức mình bỏ ra là đáng giá.
Bên cạnh những chế độ khen thưởng thì cũng nên có những hình phạt tương ứng dành cho những nhân viên làm trái quy định hay có những hành vi thiếu chuyên nghiệp khi phục vụ khách hàng. Với chính sách khen thưởng và xử phạt hợp lý, bạn sẽ dễ dàng xây dựng được một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và tận tình.
Việc quản lý nhân viên khách sạn tưởng như là một công việc “khó nhằn”, nhưng với 3 phương pháp mà tôi vừa gợi ý, chắc chắn công việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy áp dụng ngay 3 phương pháp này vào công việc quản lý nhân viên khách sạn của bạn để nhận thấy những hiệu quả vô cùng tuyệt vời mà nó đem lại.